Những lí do khiến người có bằng cấp thất nghiệp
Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015
Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp tăng: Do cái tôi quá lớn.
Bộ GD&ĐT cho biết, có tới 40% sinh viên tốt nghiệp ra trường sau 3 tháng không tìm được việc làm.Trong quý I năm 2014 có 21,2% thanh niên trong độ tuổi 20-24 trình độ cử nhân trở lên bị thất nghiệp
Mới đầu tháng 7/2014, hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp (thông tin tại hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 2, quý 2 năm 2014, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức)...
Giải mã hiện tượng ngày càng nhiều người có bằng cấp thất nghiệp
Người có bằng cấp thất nghiệp ngày càng cao, là thực trạng đáng báo động. Ba tháng đầu năm 2014, cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp, trong đó có khoảng 200.000 người có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Làm thế nào để vượt qua thất nghiệp, tìm kiếm việc làm, khẳng định bản thân, Tiền Phong sẽ cùng các bạn trẻ đi tìm câu trả lời này.
Thất nghiệp hay không làm được việc?
Không tìm được việc là câu chuyện thường được nhiều bạn trẻ đề cập hiện nay. Nhiều bạn có được việc như ý nhưng lại để tuột mất vì thiếu kỹ năng.
Bằng đại học chưa phải thước đo
Đinh Văn Hạnh ở Phủ Lý- Hà Nam nhận ra rằng bằng đại học không phải thước đo khi sau 3 năm ra trường vẫn không tìm được việc. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải (Hải Phòng), Hạnh làm hơn chục bộ hồ sơ gõ cửa nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhưng kết quả Hạnh nhận lại đều là không trúng tuyển. Hạnh chuyển sang đi học nghề sửa xe máy, hiện là chủ một cửa hàng sửa xe, rửa xe tại Hà Nội. Tấm bằng đại học để nguyên trong góc tủ, Hạnh dường như quên mình đã là cử nhân mà yên phận là thợ sửa xe.
Lâm vào tình cảnh tương tự như Hạnh, Nguyễn Thị Hà tốt nghiệp khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Báo chí Tuyên truyền đã phải sống trong thời gian dài khủng hoảng việc làm. Hiện Hà làm quản lý một cửa hàng thực phẩm, công việc không liên quan chuyên ngành đã học. Hà xác định: “Có sống trong cảnh thất nghiệp, người này nhìn ngó, người kia dò xét mới thấm thía nỗi buồn tủi, sự chán nản. Tôi chấp nhận làm nghề tay trái để khỏi mang tiếng ăn bám bố mẹ”.
Thiếu kỹ năng giao tiếp ứng xửa sợ không làm được việc
Sau 2 năm vật vã xin việc, Trần Vân Anh ở Việt Trì- Phú Thọ (tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội) cũng được người quen giới thiệu ứng tuyển một vị trí tại Công ty du lịch ở Hà Nội. Qua các vòng kiểm tra trình độ, phỏng vấn, Vân Anh được Cty gọi về Hà Nội thử việc một tháng. Thay vì hào hứng với công việc mới, Vân Anh từ chối với lý do: “Sợ không làm được việc, không đáp ứng được chỉ tiêu doanh số”. Hỏi ra mới biết Vân Anh được một người trong công ty cho biết sẽ phải đáp ứng doanh số lên tới hàng trăm triệu một tháng. Chỉ nghe thông tin chưa qua kiểm chứng Vân Anh đã bỏ cuộc.
Chuyện của Nguyễn Thu Phương ở Thạch Hà - Hà Tĩnh lại khác. Tốt nghiệp Đại học Vinh (Nghệ An), Phương được giới thiệu việc làm tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Đi làm được vài tuần, Phương nước mắt ngắn dài, gọi điện cho người thân. Khi thì than thở việc bị đối xử không công bằng, bị người kia ghét, người nọ gây khó dễ, khi thì kêu không tìm được đường đi gửi công văn, giấy tờ...Có khó khăn, có trở ngại là Phương khóc, không biết cách tự giải quyết. Còn doanh nghiệp thì ngao ngán.
Rất khát khao việc làm, khi trúng tuyển vào vị trí khảo sát của một công ty tư vấn thiết kế công trình giao thông, Phạm Việt Thắng (tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) vô cùng hào hứng. Chia sẻ với bố mẹ ở quê (Quỳnh Phụ, Thái Bình), Thắng cho hay sắp tới sẽ đi thực tế dài ngày ở miền Nam. Thắng khẳng định sẽ hoàn thành tốt công việc. Nhưng đi thực địa được 2 tuần, Thắng gọi điện về nhà kêu gặp nhiều bất công, bị đối xử thiên vị và không thể chịu đựng thêm được nữa. Tình hình này kéo dài Thắng sẽ bỏ công trường để về, chấp nhận xin việc khác. Bố mẹ như ngồi trên lửa, lo lắng, liên tục gọi điện động viên. “Trong xã hội luôn tồn tại bất công. Điều cần làm là phải đấu tranh để giảm bớt bất công, còn nản chí nghĩa là thất bại”, thấm thía lời khuyên ấy của bố, Thắng lấy lại tinh thần, tiếp tục ở lại làm việc. Chuyện của Thắng là điển hình cho thấy tình trạng thiếu kỹ năng ứng xử trong công việc hiện nay của nhiều bạn trẻ.
Chưa làm thợ nhưng thích làm thầy
Với đặc thù công ty xây dựng, nhu cầu tuyển dụng luôn biến động theo tiến độ của các công trình. Nhưng theo ông Trần Chung - trưởng phòng Tổ chức nhân sự (Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng) - cho biết, hiện sinh viên mới ra trường rất yếu và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và trình độ chuyên môn. Qua thực tế nhu cầu tuyển dụng của công ty, ông Chung cho biết, có những vị trí mỏi mắt tìm không được một ứng viên đáp ứng công việc. Chẳng hạn như vị trí kỹ sư bảo hộ lao động. Đây là vị trí sau khi trúng tuyển, các kỹ sư sẽ làm việc trên công trường. Họ phải thể hiện khả năng tập hợp, kết nối các nhóm công nhân và kỹ thuật để chủ động phổ biến, trang bị kiến thức về bảo hộ lao động, không phải chỉ đi xử lý từng trường hợp cụ thể về mất an toàn lao động. Nhưng hầu hết sinh viên mới ra trường không làm được việc này. “Trong khi đó, cái tôi của sinh viên mới ra trường lại quá lớn. Các em chưa làm thợ đã lại thích làm thầy. Những người đi trước, đồng nghiệp không có tinh thần chỉ bảo, bản thân sinh viên cũng không thể hiện mình có nhu cầu học hỏi, mà luôn tỏ ra cái gì cũng biết, không cần học nữa” - ông Chung nói. Ông Chung kể ra một ví dụ, với vị trí công nhân điện, phía công ty lúc nào cũng thiếu. Nhưng đội ngũ trẻ mới ra trường, ngoài chất lượng đào tạo kém, họ thực sự không nhiệt huyết với nghề. Họ không biết mình yếu từ đâu, cũng không có tinh thần học hỏi. “Chắc chắn nếu tổ điện ấy sai bạn ấy đi rải dây điện, chắc chắn bạn ấy sẽ không hài lòng. Họ sẽ cho rằng, mình được học hành bài bản, mình phải được làm lãnh đạo. Nếu không đáp ứng yêu cầu đó, các bạn ấy sẵn sàng bỏ việc. Vấn đề mấu chốt ở đây là các bạn ấy thiếu tinh thần vươn lên. Họ thiếu trách nhiệm với công việc được giao (kể cả việc nhỏ nhất là rải dây điện). Họ thiếu đi sự nhiệt huyết và tình yêu với công việc”- ông Chung nhấn mạnh.
Ảo tưởng
Tham gia nhiều buổi phỏng vấn tuyển dụng nhân sự, Đào Thị Hằng, chủ thương hiệu Mắm Thuyền Nan (thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, cô nhận thấy ứng viên thường đòi hỏi mức lương và chế độ họ mong muốn hơn là quan tâm việc mình sẽ tạo ra giá trị gì cho doanh nghiệp. Ảo tưởng giá trị bản thân là thực tế nhiều bạn trẻ mắc phải trong khi tìm việc dẫn đến thất nghiệp. Bởi với nguồn vốn có hạn nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải cân nhắc khi tuyển dụng, và thường chỉ giữ lại những nhân sự có khả năng tạo ra lợi nhuận.
Vì sao ngày càng nhiều người có bằng cấp thất nghiệp?
Hằng chia sẻ: Khi mới ra trường, các bạn đừng nên quá quan tâm chuyện lương bổng. Nếu có công ty nào nhận, hãy làm việc một cách nhiệt tình, học hỏi thật nhanh và nhiều từ công việc hiện tại, kể cả những công việc nhỏ nhất. Nên xác định đó là thời gian học việc, trải nghiệm thực tế. Sau thời gian đó, bạn đòi hỏi tăng lương cũng chưa muộn vì chẳng ông chủ nào để bạn ra đi khi bạn tạo ra giá trị dương cho công ty.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, học tiếng anh tốt nhưng Hằng từ chối vào làm ở một cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Hằng chọn công việc vất vả hơn với mức lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng, vì đây là công việc cô yêu thích và tin sẽ học được rất nhiều điều khi làm công việc này.
Để có thêm thu nhập, Hằng đi dạy kèm Toán và tiếng Anh vào buổi tối. Hằng gặp người quản lý trực tiếp để yêu cầu giao thêm việc, không nhận phụ cấp, chỉ mong được dạy để trưởng thành trong công việc. Sau hai năm làm việc không mệt mỏi, Hằng trưởng thành hơn nhiều trong nghề và nhận học bổng toàn phần học thạc sỹ ở Úc. Hằng chia sẻ: “Úc là nước có phúc lợi xã hội rất tốt cho công dân của đất nước họ nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết bạn mình là người bản địa, tốt nghiệp đại học đi làm tình nguyện viên 2 năm cho một công ty để học việc, trước khi được nhận vào làm việc chính thức”. Hằng ngộ ra rằng “khi không làm việc vì tiền, tiền sẽ tìm đến bạn”.
Chìa khóa nào?
Anh Trần Xuân Hải, Trưởng phòng dự án, chính sách và tuyển dụng, Ban Nhân sự, Tập đoàn FPT cho biết: Sinh viên đại học FPT rất cầu thị trong xin việc, nhưng phần nhiều các bạn không được tuyển do thiếu kỹ năng, thiếu tự tin. Anh Hải cho rằng, khi tuyển dụng doanh nghiệp dựa vào năng lực của ứng viên chứ không quan tâm nhiều đến bằng cấp, bởi vậy mỗi bạn phải tự trau dồi kỹ năng, kiến thức, tự tin đối thoại và nên chủ động gõ cửa doanh nghiệp để tìm cơ hội, đó là chìa khóa để mở ra việc làm.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo nhấn mạnh: “Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sinh viên. Hiện nay, yêu cầu thực tế của doanh nghiệp khác nhiều so với kiến thức tiếp thu trong nhà trường. Việc học là trang bị những kỹ năng, kiến thức nền tảng nhưng để có thể bắt kịp được tốc độ, guồng quay của công việc trong các doanh nghiệp lớn yêu cầu các bạn cần có thêm kiến thức nâng cao, kiến thức thực tế, cọ xát và sức bền. Ngoài ra, yếu tố định hướng là rất quan trọng, thường thì học sinh học hết cấp 3 chỉ lo làm thế nào để đỗ đại học và chọn một trường gần nhất với khả năng đỗ của mình mà chưa biết chọn trường phù hợp với năng lực của mình. Đó là do thiếu sự định hướng từ gia đình, từ nhà trường. Điều này rất nguy hiểm, tạo ra một đội ngũ nhân sự không thực sự có chất, dẫn chứng là sinh viên ra trường có phải đến phân nửa đi làm trái ngành nghề”.
Làm thế nào để sinh viên nâng cao kỹ năng?
Ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, kỹ năng mềm là một trong 3 điểm yếu trong sinh viên hiện nay. Ông Lập cũng chia sẻ lo ngại số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm cao quá trong khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tuyển ít, chưa cân đối được cung- cầu.
Cô Lê Thị Thu Thủy (Trưởng phòng Quản lý đào tạo- Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho rằng, trong quá trình đào tạo nên trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm bên cạnh những kiến thức chuyên môn. “Điều này phụ thuộc vào từng trường, ở Đại học Ngoại thương có bộ môn rèn luyện kỹ năng để các em ra trường không bị sốc với thực tế”, cô Thủy nói.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét